“Vòng bụng càng to vòng đời càng ngắn”, bác sĩ Tan Wu Meng, Trung tâm Ung thư Parkway, Singapore khẳng định. Ông cho biết, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra béo phì hay thừa cân đều có nguy cơ gây nhiều loại bệnh. Gần đây, một số nghiên cứu còn tìm thấy mối liên hệ giữa béo phì và ung thư.
Bác sĩ Tan giải thích, chỉ số khối cơ thể (BMI) được sử dụng phổ biến để kiểm tra một người trưởng thành có bị thừa cân hay béo phì không. Chỉ số này được tính dựa trên công thức cân nặng của một người theo đơn vị kilogram chia cho bình phương chiều cao theo đơn vị mét (kg/m2).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người thừa cân nếu có chỉ số BMI bằng hoặc lớn hơn 25, người béo phì khi BMI bằng hoặc lớn hơn 30. Một số nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp nhiều kết quả nghiên cứu lâm sàng với nhau nhằm xem xét mối tương quan giữa chỉ số BMI và bệnh tật cũng như nguy cơ tử vong ở người.
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ năm 2014, một nghiên cứu tổng hợp trên 80.000 bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm đã được báo cáo. Kết quả nghiên cứu chỉ ra phụ nữ tiền mãn kinh và gần mãn kinh mắc ung thư dương tính với thụ thể oestrogen dương tính (hoặc ER+). Thụ thể này có mối quan hệ tỷ lệ thuận với sự gia tăng chỉ số khối cơ thể. Bệnh nhân ung thư vú có chỉ số BMI càng cao thì tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.
Một nghiên cứu tương tự được thực hiện với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi dữ liệu bệnh nhân trên nhiều nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt, ở cả nam giới khỏe mạnh bình thường và người đã được chẩn đoán bệnh. Trong số gần 1,3 triệu người đàn ông không mắc ung thư ban đầu, nghiên cứu này chỉ ra rằng cứ tăng 5 kg/m2 chỉ số BMI thì tăng 15% nguy cơ tử vong vì ung thư tuyến tiền liệt. Khảo sát hơn 18.000 bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thì phát hiện mối tương quan: Cứ tăng 5 kg/m2 chỉ số BMI thì tăng 21% nguy cơ tái phát bệnh. Nguyên nhân được cho là thừa cân béo phì làm tăng mức PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt), mặc dù bệnh nhân đã được điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Câu hỏi tại sao béo phì lại ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong ở ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú có ER+, được đặt ra tại nhiều hội nghị về ung thư trên toàn thế giới. Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia tin rằng tình trạng thừa cần béo phì đã ảnh hưởng tới hỗn hợp hormone trong cơ thể. Một lý giải khác là bệnh nhân, những người vốn đã có cơ thể không cân đối, dễ bị ảnh hưởng xấu bởi ung thư và các tác dụng phụ trong quá trình điều trị nên dễ tử vong hơn.
“Chúng tôi chưa hiểu hết được ảnh hưởng của béo phì tới kết quả điều trị ung thư vú và tuyến tiền liệt. Nhưng chúng tôi biết chắc rằng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ và tập thể dục”, bác sĩ Tan khuyến cáo.
Theo bác sĩ, ăn uống lành mạnh, giữ cơ thể cân đối không những giúp tăng cường sức khỏe mà còn đẩy lùi nguy cơ bệnh tật, trong đó có ung thư. Bác sĩ khuyên nên thêm rau củ vào bữa ăn mỗi ngày, cắt giảm lượng đường và chất béo bão hòa, cân bằng lượng năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu thụ.
Người thừa cân nên chủ động giảm lượng chất béo trong chế độ ăn ít hơn 30% tổng năng lượng nạp vào cơ thể. Khi ăn thịt, bạn nên loại bỏ phần mỡ, dùng dầu từ rau củ thay vì mỡ động vật. Chế biến bằng phương thức luộc, hấp hoặc nướng thay vì rán. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật hoặc kem. Đừng quên vận động thể chất và sống năng động giúp bạn duy trì cân nặng lành mạnh